Có thể bạn sẽ thích
Dưới đây là một số mẹo bảo dưỡng ô tô để xế yêu của bạn luôn ở trạng thái tốt đẹp nhất.
Đừng để lốp bị xẹp
Theo Greenspan, hãy kiểm tra áp suất lốp một cách thường xuyên để đảm bảo chúng phù hợp với khuyến nghị của nhà sản xuất. Lốp xe mất dần hơi theo thời gian. Lốp có thể bị xẹp nếu xe không di chuyển trong vòng ít nhất 30 ngày, tùy thuộc vào cấu tạo và chất liệu của lốp.
Vì vậy, hãy cho lăn xe một chút nếu có thể. Bạn cũng có thể giảm bớt sức nặng của bánh xe bằng một số thiết bị thích hợp, chẳng hạn như con đội kê (jack stands).
Nếu lốp xe đã cũ, hãy chú ý đến sự suy giảm chất lượng của cao su, vết nứt, bong, phồng hoặc đổi màu. Nếu xe được cất giữ bên ngoài hoặc nơi nào có cửa sổ, hãy che phủ xe để ngăn chặn tác hại của tia cực tím.
Điều quan trọng là luôn kiểm tra cẩn thận lốp xe trước khi ra đường. Trước khi lái xe trở lại, bạn sẽ cần đặt lốp xe về áp suất khuyến nghị, có thể tìm thấy trên nhãn dán trên khung cửa bên tay lái (không phải ở thành lốp, hiển thị áp suất tối đa của lốp).
Thay dầu
Nếu bạn không lái xe thường xuyên, dầu có thể bị giảm chất lượng do sự dao động của nhiệt độ. Đối với một chiếc xe đã hoạt động trong thời gian dài, bạn nên chuyển từ chế độ thay nhớt dựa trên số km sang cơ cấu dựa trên thời gian.
Cứ 6 tháng thay dầu một lần, ngay cả khi bạn chưa đi đến khoảng cách quãng đường do nhà sản xuất quy định để thay dầu theo lịch định kỳ, đặc biệt nếu bạn chỉ thỉnh thoảng đụng đến xe. Nếu xe không khởi động được khi đang ngồi, bạn nên thay dầu trước khi khởi động lần đầu tiên để loại bỏ nước ngưng tụ trong dầu.
Đổ xăng
Nếu có ý định hay buộc phải để xe “đắp chiếu” một thời gian dài, hãy đổ đầy bình xăng trước đó. Điều này sẽ giúp giảm lượng nước ngưng tụ bên trong bình do biến động của thời tiết.
Theo Greenspan, nếu bình chứa đầy, xăng sẽ tồn tại được khoảng 6 tháng. Dầu diesel có thể tồn tại từ 6 tháng đến một năm trên một bình mới, đầy. E85 phân hủy nhanh hơn, đặc biệt là khi nó có nồng độ cồn cao hơn và thường chỉ “sống” dưới 6 tháng nếu bạn không lái xe thường xuyên.
Nên dùng phụ gia nhiên liệu tập trung vào việc bảo quản như Sta-Bil để giữ gìn xe trong thời gian ngắn. Nhưng nếu phương tiện nằm im trong một thời gian rất dài thì tốt hơn là nên xả hết bình chứa nhiên liệu. Xét cho cùng, tất cả nhiên liệu sẽ trở nên tồi tệ bất kể bạn đổ gì.
Việc xả nhiên liệu có thể nguy hiểm, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn đang sử dụng quy trình xả phù hợp và thải bỏ hoặc bảo quản nhiên liệu đã cạn đúng cách.
Chăm sóc phụ kiện bằng cao su
Dây curoa động cơ và bất kỳ loại cao su quan trọng nào khác dưới mui xe rồi cũng sẽ bị hỏng, nhưng thời gian xuống cấp thì lại phụ thuộc vào mức độ bảo dưỡng ô tô của bạn.
Hầu hết các dây đai và ống mềm dự kiến sẽ tồn tại khá lâu, nhưng cũng như các thành phần ô tô khác, việc không sử dụng có thể gây ra vấn đề. Mặc dù một số điều này phụ thuộc vào tình trạng của các bộ phận trước khi bạn cho xe nằm dài hạn trong garage, nhưng cao su có thể bị khô và nứt, gây ra rò rỉ hoặc làm suy yếu dây đai. Do đó, bạn nên kiểm tra chúng trước khi “đắp chiếu” và một lần nữa trước khi mang ra khỏi garage.
Sạc ắc-quy
Ắc-quy 12V của ô tô là hệ thống dễ gặp sự cố khi không hoạt động trong thời gian dài nhất. Steven Greenspan, giảng viên tại Universal Technical Institute, cho biết: “Các phương tiện công nghệ cao ngày nay thường có nhiều hệ thống máy tính luôn bật và giám sát. Những máy tính này hấp thụ năng lượng, và nếu một chiếc ô tô nằm ì mà không được sạc lại, ắc-quy có thể chết trong vòng hai tuần.”
Cũng như những thứ khác trong danh sách này, cách bảo dưỡng ắc-quy phụ thuộc vào tần suất sử dụng xe. Nếu bạn đi xe thường xuyên, có thể không cần bảo dưỡng thêm. Một quãng đường ngắn – chỉ đủ dài để làm nóng dầu, làm bay hơi hết lượng nước ngưng tụ trong dầu – sẽ đủ để giữ cho ắc-quy luôn đầy và dầu ở trạng thái tốt.
Ngược lại, sau 2 tuần không sử dụng, bạn nên khởi động lại xe để động cơ làm việc trong khoảng 15 phút, sẽ có ích trong việc bảo dưỡng ắc-quy tốt và tăng độ bền cho động cơ cũng như các bộ phận khác. (Tốt nhất nên khởi động xe một tuần một lần.)
Nếu không thể, sử dụng bộ sạc ắc-quy loại nhỏ. Thiết bị này cung cấp bổ sung điện năng cho một cách định kỳ để tránh bị phóng hết điện.
Thông thường, có thể để nguyên ắc-quy và nhiều bộ sạc có khả năng ngắt kết nối nhanh, giúp bạn dễ dàng rút phích cắm để sử dụng ô tô. Bạn cũng có thể tháo ắc-quy và sạc ở một vị trí thuận tiện hơn. Lưu ý khi tháo ắc-quy: Hãy tham khảo hướng dẫn sử dụng của hãng trước khi bắt đầu, đặc biệt nếu hệ thống của xe có mã bảo mật mà bạn phải nhập để nó hoạt động sau khi mất điện.
Cố gắng không sử dụng phanh tay
Khi đậu xe, bạn thường sử dụng phanh tay để cố định vị trí. Nhưng nếu đậu xe trong một thời gian dài thì không nên làm thế. Có hai nguyên nhân. Một là nếu đủ lâu và đủ ẩm, phanh có thể bị “cứng” lại. Hai là lực ép từ má phanh lên đĩa phanh liên tục làm cho khu vực này lõm lại, bề mặt đĩa gồ ghề, phanh không ổn định xe trở lại đường phố.
Nếu bạn không điều khiển xe trong một thời gian, hãy tắt phanh tay và sử dụng bộ thiết bị chặn bánh là tốt nhất.
Ngoài ra, khi ô tô không được sử dụng thường xuyên, rỉ sét có thể hình thành trên các rotor phanh, đặc biệt nếu nó được đỗ bên ngoài nhà. Khi bạn lái xe, rỉ sét này có thể bám vào lớp đệm má phanh và gây ra tiếng ồn, phanh không đều và khó đạp phanh. Tuy nhiên, nếu có thể lái xe ngắn ngày một lần mỗi tuần, bạn có thể giảm thiểu sự tích tụ rỉ sét.
Chống chuột, sâu bọ xâm nhập
Các loài gặm nhấm, sâu bọ như chuột, gián, nhện… thích làm tổ dưới nắp ca-pô, cabin, cốp xe… ngủ đông.
Có một số biện pháp ngăn chặn bạn có thể sử dụng. Bạn có thể dùng bông hay vải mềm bịt kín các khe hở mà chúng có thể chui qua như ống xả, cửa hút gió… Một số người thì sử dụng băng phiến hoặc dầu bạc hà. Nhưng khi dùng cách này thì nên lưu ý đóng cửa kính vừa khít và chừa một khe hở thật nhỏ (đủ để sâu bọ không chui vào được) để lưu thông không khí giữa môi trường bên ngoài và không gian bên trong xe, nếu không xe sẽ có mùi nồng nặc và khó chịu.
Phủ xe
Một tấm phủ xe có thể giúp sơn không bị trầy xước, tránh bụi và tia cực tím gây hại cho vỏ xe và nội thất. Nếu xe ở trong garage thì chỉ cần tấm phủ nhẹ, mềm (thường cũng rẻ hơn).
Nếu bạn buộc phải để xe bên ngoài trời, thì cần đầu tư vào tấm phủ chắc chắn hơn, có khả năng chống thời tiết, chống tia cực tím và không bị gió thổi bay.
Hộp các-tông
Những ai đang sở hữu những chiếc xe tương đối cũ thì có thể đã biết hoặc chưa biết đến một mẹo khá hay ho: Đặt một hộp các-tông hỏng dự phòng dưới gầm xe là một cách tốt để theo dõi khả năng rò rỉ chất lỏng nếu có.
Một số chất lỏng từ xe có thể khó phát hiện trên sàn garage. Dầu thường có thể nhìn thấy được, nhưng chất làm mát và chất lỏng truyền động có thể khó nhận thấy hơn. Hộp các-tông gần như miễn phí và nó sẽ “bắt” được những giọt nhỏ này và cho biết chúng đến từ đâu. Một thùng với cát mèo, một tấm thảm cũ, một tấm bạt… cũng có tác dụng tương tự.
Trước khi đưa xe trở lại đường sau một “giấc ngủ” dài, luôn kiểm tra mức dầu và nên thay dầu trước khi đi. Làm ấm động cơ, sau đó kiểm tra mức dầu bằng que thử. Bạn cũng có thể kiểm tra mức dầu hộp số của xe, cũng như áp suất và tình trạng của lốp xe. Kiểm tra bằng mắt thường cả dây đai an toàn và các bộ phận khác.
Mặc dù cách bảo dưỡng ô tô tốt nhất là làm một vòng đâu đó nhưng đây cũng là điều khó nhất trong thời gian giãn cách xã hội. Nhưng thực hiện các lưu ý trên có thể giúp đảm bảo chiếc xe sẵn sàng hoạt động một khi trở lại cuộc sống bình thường.