Sự hào hứng khi trở thành những công dân số
Cứ cuối tuần, đến hẹn lại lên, các Tổ Công nghệ số được tổ chức bởi Đoàn Thanh niên cơ sở lại tìm đến từng thôn, từng nhà để hỗ trợ người dân thực hiện cài đặt ứng dụng số, đặc biệt là chữ ký số. Đã một thời gian, hoạt động này từng bước trở nên quen thuộc với người dân xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa cũng như nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các Tổ Công nghệ số được xem là yếu tố quan trọng, là chiếc cầu kết nổi người dân với chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp, giúp tháo gỡ những nút thắt về công nghệ, để người dân hiểu và làm theo.
Không chỉ “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, với sự đồng hành của Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT), địa phương cũng thường xuyên tổ chức các điểm hỗ trợ người dân cài đặt miễn phí chữ ký số tại UBND, nhà văn hóa xã để người dân có thể cơ động, linh hoạt đến tìm hiểu, cài đặt và được hướng dẫn sử dụng ứng dụng cho các nhu cầu của bản thân.
Bà Lê Thị Khánh (SN 1973) vì bận việc nhà, mãi gần đây mới có thời gian để đến điểm hỗ trợ cài đặt. Ban đầu, còn e ngại vì “sợ khó, không làm được”, nhưng sau khi được hướng dẫn sử dụng, bà Khánh cảm thấy tự tin và hào hứng hơn: “Ứng dụng dễ cài đặt, thao tác cũng đơn giản, được hướng dẫn xong, mình có thể tự khai báo các thủ tục khi cần, không cần phải nhờ con cháu làm giúp nữa. Tự nhiên cũng thấy tự tin hơn. Mình có chữ ký số, ký cái gì cũng rõ ràng, khi cần kiểm tra lại cũng được, cũng không phải lo cất giữ giấy tờ như trước”.
Anh Hoàng Văn Hòa (thôn 5, xã Hoằng Thái) vừa khai báo xong thủ tục cấp đổi bằng lái xe, có sử dụng chữ ký số, theo anh thì “đơn giản, thuận tiện bất ngờ. Không nghĩ là lại dễ dàng đến thế”. Đó chỉ là một trong những lợi ích mà người dân có được sau khi số hóa với “chìa khóa” là chữ ký số cá nhân.
Hiện nay, ở cấp xã, huyện, người dân đã có thể sử dụng chữ ký số để thực hiện các giao dịch công như đăng ký khai sinh, hộ khẩu, thường trú tạm trú, đăng ký kết hôn… Tất cả đều có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, trên thiết bị cá nhân mà không cần phải đến cơ quan công quyền thực hiện. Đăng ký trên thiết bị xong, chờ được phê duyệt, người dân chỉ cần đến trụ sở ủy ban để lĩnh giấy chứng nhận về. Những lợi ích rõ rệt của chữ ký số thông qua các Tổ Công nghệ số và những người dân đã thành công sử dụng dịch vụ cứ thế được chia sẻ ngày càng sâu rộng hơn.
Theo anh Nguyễn Quang Thành, Bí thư đoàn xã Hoằng Thái, sau một thời gian triển khai hoạt động vận động và hỗ trợ người dân tham gia cài đặt và sử dụng ứng dụng chữ ký số, đã đạt được những hiệu quả đáng khích lệ. Hoằng Thái hiện là một trong những xã có tỷ lệ người dân cài đặt ứng dụng chữ ký số cao tại huyện Hoằng Hóa nói riêng và trên cả tỉnh Thanh Hóa nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là về nhận thức của người dân đối với chữ ký số.
Nhiều người có tâm lý e ngại bởi “mỗi năm chỉ phải lên xã làm giấy tờ có 2-3 lần thì cần gì cài đặt”, “mấy cái cài đặt ứng dụng này rắc rối, phức tạp, khó làm lắm”, “Có gì chạy vù lên xã ký cái là xong, cài đặt làm gì”,… thậm chí có những người, Tổ Công nghệ số phải đến tận nhà năm lần bảy lượt mới gặp được… “Trước những tình huống như vậy, các thành viên của Tổ lại phải giải thích, hướng dẫn cụ thể, chỉ tận tay các bước. Chúng tôi phải thuyết phục làm sao để bà con hiểu được, đây là yếu tố đầu tiên để họ có thể bước lên môi trường số, trở thành những công dân số. Những quyền lợi, lợi ích có được từ việc cài đặt về mặt lâu dài…, sau khi chia sẻ xong thì hầu hết người dân đều tán đồng và ủng hộ”.
Công cụ quản lý số hiệu quả
Nếu như trước kia, mỗi lần phải ký các giấy tờ liên quan tới công việc, cô giáo Nguyễn Thị Hằng (Giáo viên trường THCS Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa) đều phải mang theo từng chồng giáo án, bảng điểm đến văn phòng nhà trường, kiểm tra, rà soát rồi ký tay thì hiện nay, cô có thể ở nhà, mở máy tính ra và thực hiện. Khi chữ ký số được tích hợp với ứng dụng quản lý trường học số Vnedu, chỉ với vài thao tác đơn giản, cô Hằng đã giải quyết xong những công việc giấy tờ sổ sách cần phải hoàn thành. Cũng như cô Hằng, nhiều giáo viên khác trên địa bàn đánh giá cao lợi ích mà chữ ký số đem lại. Việc tiết kiệm thời gian, công sức cho các công việc giấy tờ cũng sẽ giúp các thầy cô dồn lực cho công tác chuyên môn giảng dạy nhiều hơn.
Chỉ một thời gian, chữ ký số đã trở thành một ứng dụng quen thuộc đối với người dân địa phương, là công cụ để các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp triển khai các hoạt động điều hành, sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.
Theo ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa, địa phương này hiện đã triển khai và cung cấp gần 400.000 chữ ký số cho người dân, là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển chữ ký số cao nhất trong cả nước thời gian qua. Việc triển khai chữ ký số không chỉ có lợi cho người dân mà còn là công cụ số để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, hoạt động điều hành quản lý được diễn ra công khai, minh bạch…. Để triển khai nhanh chóng, sâu rộng, địa phương cũng đã có sự kết hợp với các đơn vị viễn thông lớn như VNPT để đưa chữ ký số tới từng người dân.
Ông Quyết đánh giá cao uy tín của doanh nghiệp, kinh nghiệm và khả giải pháp công nghệ, sự hỗ trợ của VNPT sẽ đảm bảo cho việc triển khai chữ ký số nói riêng và các dịch vụ số hóa nói chung thành công đến với từng người dân, cơ sở.
VNPT SmartCA hiện đang là một trong những giải pháp ký số được tin dùng bởi khách hàng trong cả nước. Giải pháp được đánh giá cao nhờ thiết kế thân thiện, dễ thao tác sử dụng, an toàn nhờ được tích hợp các công nghệ bảo mật hàng đầu như EKYC, sinh trắc học…, có thể được tích hợp vào nhiều hệ thống khác nhau của nhiều cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, phục vụ người dân trên đa nền tảng…