UpRace 2021 đạt 3,6 triệu km sau 15 ngày sự kiện
Tiếp nối thành công năm 2020 khi thu hút 115.000 người tham gia và ghi nhận 3 triệu km đường chạy, dự án UpRace 2021 đã chính thức trở lại từ 31/10 – 21/11/2021 cùng mục tiêu lớn hơn: chinh phục 5 triệu km.
Sau thời gian tạm hoãn vì dịch bệnh, sự trở lại của UpRace 2021 đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng chạy bộ trên cả nước. Trải qua 2/3 chặng đường, UpRace 2021 đã thu hút tới 227.000 vận động viên tham gia, hoàn thành hơn 3,6 triệu km chạy – tương ứng với hơn 3,6 tỷ đồng được quyên góp cho 4 tổ chức xã hội.
UpRace là dự án chạy bộ trực tuyến vì cộng đồng do VNG khởi xướng và bảo trợ kỹ thuật từ năm 2018. Với mỗi km đường chạy ghi nhận trên hệ thống, VNG và các nhà tài trợ cam kết đóng góp tương ứng 1000 VND, ủng hộ cho các tổ chức xã hội. 4 đơn vị thụ hưởng của UpRace 2021 bao gồm: Newborns Vietnam, Green Việt, Operation Smile Vietnam và Saigon Children’s Charity. Trong đó, Saigon Children’s Charity là tổ chức mới với dự án “Em không lẻ loi” – hỗ trợ trẻ em mồ côi vì Covid 19.
Năm nay, ứng dụng UpRace đã có nhiều cải tiến, không chỉ ghi nhận kết quả chính xác, trải nghiệm mượt mà, mà còn bổ sung các tính năng mới. App UpRace đã cho phép tạo nhóm trong đội, theo đó các doanh nghiệp, trường học, CLB thể thao hoàn toàn có thể tổ chức sự kiện thi đấu nội bộ, đẩy mạnh tinh thần gắn kết sau đại dịch. Mọi thành tích của nhóm đều sẽ được ghi nhận trong kết quả cuối cùng của đội. Ngoài ra, người tham gia năm nay còn có thể nghe nhạc khi chạy bộ hay tạo biểu đồ so sánh thành tích với bạn bè…
Giải chạy ảo không yêu cầu tập trung đông người càng trở nên thực tiễn trong bối cảnh hiện tại. Đối với cá nhân, tổ chức không tham gia chạy bộ được, vẫn có thể đồng hành và ủng hộ sự kiện thông qua cổng quyên góp ZaloPay của 4 tổ chức xã hội được tích hợp sẵn trong tài khoản Zalo OA của UpRace (Zalo Official Account).
VNG rót vốn 22,5 triệu USD cho Telio
Vừa qua, VNG đã chính thức công bố đầu tư 22,5 triệu USD tương đương 510 tỷ đồng vào Telio – Nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên của Việt Nam.
Đây là thương vụ đầu tư thứ 3 được VNG thực hiện kể từ giữa năm 2020, sau khi công bố chiến lược tìm kiếm các công ty khởi nghiệp giàu tiềm năng đề đầu tư và đồng hành lâu dài, cùng nhau phát triển. Trước Telio, VNG đã đầu tư vào 2 công ty khởi nghiệp khác là EcoTruck (thuộc lĩnh vực Logistics) và Got It (nền tảng quà tặng trực tuyến) với giá trị lần lượt là 3,7 triệu USD và 6 triệu USD.
Telio được biến đến là nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên của Việt Nam, giúp liên kết các đơn vị bán lẻ với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn thông qua một nền tảng tập trung.
Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, ngoài các hỗ trợ giúp Telio tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh, VNG cũng sẽ đồng hành cùng Telio trong việc tăng độ phổ biến của gian hàng Telio trên nền tảng Zalo với hơn 64 triệu người dùng hàng tháng và được đông đảo người Việt Nam sử dụng, đồng thời giúp các đại lý dễ dàng số hóa các hoạt động đặt hàng và theo dõi đơn hàng.
Bên cạnh đó, giải pháp thanh toán qua ví điện tử ZaloPay sẽ được triển khai tại các cửa hàng bán lẻ. Từ đó, VNG cùng với Telio sẽ mang đến cho các hộ kinh doanh vừa và nhỏ cơ hội tiếp cận với các sản phẩm tài chính và tín dụng, hỗ trợ mở rộng kinh doanh.
VNG góp mặt tại sự kiện thường niên uy tín của Google
Tại Google Play Connect Summit 2021 – sự kiện quy tụ các nhà phát hành game hàng đầu Châu Á, ông Christopher Liu – Giám đốc Phòng Phát Triển Kinh Doanh Game Di Động của VNG đã có nhiều chia sẻ hữu ích cho cộng đồng developer (lập trình viên).
Chiều ngày 27/10, Google Play Connect Summit năm 2021 đã trở lại với góc nhìn mới mẻ và thu hút tới hơn 200 người theo dõi cùng lúc dù là sự kiện giới hạn. Không chỉ dành riêng cho cộng đồng developer như mọi năm, sự kiện năm nay lần đầu mở rộng đối tượng đến các publisher (nhà phát hành) khi nhận thấy vai trò của publisher để ra đời một tựa game chất lượng. VNG là một trong hai nhà phát hành duy nhất đến từ Việt Nam tham gia chia sẻ tại sự kiện.
Dưới góc nhìn một nhà phát hành game thành công tại nhiều thị trường, ông Christopher Liu đã có nhận định về sự khác biệt của VNG hay sự lầm tưởng phổ biến về phát hành game… Đặc biệt, liên quan đến phẩm chất tìm kiếm tại một developer, ông Christopher đã nhấn mạnh: “Qua 5 năm khá phát triển trong khu vực, chúng tôi dần thay đổi góc nhìn và có mục tiêu cao hơn là lợi nhuận trong ngắn hạn. Chúng tôi muốn tìm kiếm những developers với định hướng hợp tác phát triển dài hạn. Thay vì chỉ nhìn vào một tựa game được ra mắt, chúng tôi nhìn vào quá trình, nhìn vào con người và sự phát triển của đội ngũ”.
Góp mặt tại sự kiện của Google cũng là cơ hội để VNG khẳng định nỗ lực trong vai trò nhà phát hành toàn cầu, đến từ việc am hiểu sâu sắc về game, đầu tư nghiêm túc cho địa phương hóa (localization) các tựa game dưới góc nhìn không định kiến. Cụ thể, ông Christopher cho biết: “Không dừng lại ở ngôn ngữ, việc địa phương hóa game do VNG phát hành còn thể hiện ở các sự kiện, dữ liệu, cập nhật, Fanpage, cộng đồng, những kênh cho người dùng sáng tạo nội dung hay quà tặng … Như Tết âm lịch, sẽ có nhiều thứ rất khác biệt tại Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Việt Nam”. Theo đó, VNG không chỉ đơn thuần thuê ngoài (outsourcing) một doanh nghiệp địa phương mà xây dựng đội ngũ riêng tại các quốc gia.
Trước đó, tháng 5/2021, VNG từng tham gia “Think Games in Vietnam” của Google với nhiều chia sẻ hữu ích. Google sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức sự kiện dành riêng cho VNG nhằm hỗ trợ các thông tin về khách hàng tiềm năng và mở rộng thị trường. Đây là một tín hiệu rất tích cực, thể hiện mối quan hệ hợp tác và sự uy tín của VNG trên thị trường quốc tế.
VNG phối hợp cùng Viresa tổ chức giải thể thao điện tử Đông Nam Á
Giải đấu thể thao điện tử Đông Nam Á – SEA Sport Champion sẽ diễn ra vào 1/2022, do Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) hợp tác cùng Công ty Cổ phần VNG tổ chức. Đây là giải đấu thường niên và chất lượng cao tương đương SEA Games.
Theo VIRESA, giải đấu Thể thao điện tử khu vực Đông Nam Á 2021 (SEA eSports Championship 2021, gọi tắt là SEA EC 2021) sẽ được triển khai theo hình thức trực tuyến với 3 bộ môn PUBG Mobile, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến và VALORANT. Các nước sẽ tiến hành thi đấu vòng loại diễn ra vào tháng 11-12/2021 tại mỗi quốc gia.
Vòng chung kết SEA EC 2021 diễn ra vào đầu năm 2022, dự kiến chào đón 52 đội tuyển là đại diện của 10 Liên đoàn thể thao điện tử tại Đông Nam Á cùng nhau tranh tài ở các nội dung với tổng giá trị giải thưởng hơn 140.000 USD. Có thể nói SEA EC 2021 là giải đấu ESports có mức tiền thưởng khủng nhất Việt Nam cho đến thời điểm này.
Nhận định về SEA EC 2021, ông Đỗ Việt Hùng, Tổng Thư ký VIRESA cho biết: “2 trong 3 bộ môn tại giải đấu năm nay là các nội dung tranh huy chương tại SEA Games 31. Do đó SEA EC 2021 không chỉ mang ý nghĩa là giải đấu đầu tiên của một sự kiện thường niên lớn tại Đông Nam Á mà còn là cơ hội để các vận động viên thể thao điện tử cọ xát trước thềm SEA Games 31”.
Đại diện VNG, ông Lã Xuân Thắng – Trường phòng sản phẩm 3 cũng chia sẻ thêm về tiềm năng phát triển Thể thao điện tử tại Đông Nam Á. Theo báo cáo từ Newzoo, Đông Nam Á dự kiến là khu vực đứng đầu thế giới về doanh thu thể thao điện tử với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép là 20,8% cho đến năm 2024 và có 42,5 triệu khán giả theo dõi.
Với sự hợp tác của các đơn vị uy tín như VNG, VISERA và Liên đoàn thể thao điện tử các nước Đông Nam Á, SEA EC được kỳ vọng sẽ là một giải đấu thường niên chất lượng cao trong khu vực. Không chỉ giúp các tuyển thủ trau dồi và rèn luyện, sự kiện còn là đòn bẩy đẩy mạnh phong trào thể thao điện tử và hứa hẹn sẽ tạo ra giá trị kinh tế lớn cho khu vực Đông Nam Á.