Nền kinh tế đạt 343 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD được coi là những chỉ số cần thiết để Việt Nam phát triển công nghiệp ôtô.
Hiện tỷ lệ sở hữu ôtô tại Việt Nam mới đạt khoảng 41 xe/1.000 dân, cho thấy thị trường còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp ôtô, đáp ứng nhu cầu của hơn 100 triệu dân vẫn cần xác định một hướng đi phù hợp, đúng đắn nhất cho giai đoạn tiếp theo.
Việt Nam bước vào thời kỳ ôtô hóa?
Năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD, dân số Việt Nam đạt 97,9 triệu người. Đây được coi là những chỉ số cần thiết để một quốc gia có đủ động lực phát triển ngành công nghiệp ôtô và cũng là thời khắc bước vào thời kỳ bùng nổ ôtô. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thị trường ôtô vẫn chưa có đột phá.
Theo Cục Đăng kiểm VN, tính đến hết năm 2020, Việt Nam có 4,18 triệu ôtô đang lưu hành, bình quân đạt khoảng 41 ôtô/1.000 dân.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thị trường ôtô Việt Nam hiện nay đang tăng nhanh, bằng chứng là số lượng xe cả nhập khẩu và lắp ráp trong mấy tháng đầu năm nay tăng mạnh trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của thị trường thì chưa có sự đột phá.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban kỹ thuật, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, thông thường các nước khi có mật độ ôtô khoảng 50 xe/1.000 dân thì sẽ bước vào giai đoạn ôtô hóa. Việt Nam hiện mới đạt khoảng 41 xe/1.000 dân là bao gồm cả xe tải, xe buýt.
Nếu tính riêng xe du lịch thì khoảng 30 xe/1.000 dân, tức là mới đạt hơn nửa tiêu chí của ôtô hóa. Theo nhiều dự báo thì khoảng năm 2025 Việt Nam mới vào giai đoạn ôtô hóa.
Theo chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng, khát vọng làm ra ôtô cho người Việt của các doanh nhân có thể tính là từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, chưa có mấy thành công.
Thậm chí, có những khát vọng lớn lao như của ông chủ Vinaxuki nhưng rồi không thành công. Mấu chốt là ở chỗ, sức mua ôtô của người dân hoàn toàn phụ thuộc thực lực nền kinh tế. Khi thu nhập ở ngưỡng 3.500 – 4.000 USD/người/năm là bước vào giai đoạn ôtô hóa. Như vậy, từ thời điểm này nhu cầu ôtô của khoảng 20 triệu hộ gia đình Việt sẽ bắt đầu tăng.
Báo cáo mới nhất của VAMA, các chỉ tiêu sản xuất và bán hàng của toàn ngành ôtô tính đến hết quý I/2021, đều tăng trưởng mạnh 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, doanh số bán hàng toàn thị trường tăng 36% (70.592 xe của các thành viên VAMA), doanh số bán xe lắp ráp tăng 24%, lượng tiêu thụ xe nhập khẩu tăng 55%, tiêu thụ xe du lịch tăng 34%, tiêu thụ xe thương mại tăng 43% và tiêu thụ xe chuyên dụng tăng 17%. Tuy nhiên, chỉ số tăng trưởng cao này có nguyên nhân từ sự sụt giảm của thị trường trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trước ngưỡng cửa bùng nổ nhu cầu ôtô tại Việt Nam, những tín hiệu tích cực từ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước cũng khiến cho nhiều người lạc quan. Thay vì lo lắng với làn sóng “ôtô nhập khẩu miễn thuế”, nhiều doanh nghiệp ôtô Việt vẫn đứng vững và khẳng định được vị thế với người tiêu dùng.
Một trong số đó là TC Motor. Vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19 để giữ vững đà tăng trưởng, năm 2020, TC Motor bán được 81.368 xe, tăng 2,26% so với năm 2019 và trở thành một trong số ít doanh nghiệp ôtô tại Việt Nam có mức tăng trưởng dương.
Trong khi đó, tại cuộc “Đối thoại 2045” mới đây, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco – doanh nghiệp ôtô lớn nhất Việt Nam – cũng cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng năm qua, doanh số ôtô của Thaco vẫn đạt hơn 100.700 xe, chiếm hơn 35% thị phần ôtô trong nước. Công ty đã xuất khẩu trên 1.200 xe và 20 triệu USD linh kiện phụ tùng, tiếp tục khẳng định vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường ôtô tại Việt Nam.
Năm 2021, Thaco dự kiến sản xuất và tiêu thụ trong nước hơn 110.000 xe, xuất khẩu 2.500 xe và 30 triệu USD linh kiện phụ tùng.
Cùng với đà phát triển trên, ông Dương cũng đặt ra mục tiêu nâng tầm doanh nghiệp bằng cách xây dựng nền tảng quản trị và sử dụng công nghệ số bởi theo ông: “Doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển”.
Sẽ đi tắt đón đầu bằng ôtô điện?
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết: “Xu hướng chuyển sang xe điện diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, trong khi nền công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn loay hoay với xe xăng là vấn đề đặt ra lúc này. Nếu cứ theo xe xăng thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới đuổi kịp thế giới. Vì thế, đi tắt lên thẳng xe điện là một lựa chọn đúng của các nhà sản xuất ôtô tại thời điểm này”.
Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, xe điện là xu thế của thế giới, song với Việt Nam thì cũng phải hết thập kỷ này mới định hình rõ.
“Ở Việt Nam, Công ty VinFast đang tập trung xe điện, tôi cho là hướng đi đúng, với điều kiện chất lượng xe phải tốt. Thứ hai, hệ thống dịch vụ, trạm sạc phải tốt. Và cuối cùng là xử lý bình điện hay khối pin thải bỏ phải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường. Nếu ba việc này mà làm tốt cộng với giá cả phù hợp, thì xe điện chắc chắn sẽ thắng được xe xăng”, ông Phong đánh giá.
Nhận định về quá trình chuyển sang xe điện tại Việt Nam, ông Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, câu chuyện xe điện cần quá trình chứ không thể nhanh được.
“Các nước tiên tiến hiện có một khái niệm là 30/30. Tức là đến năm 2030 thì có 30% lượng xe tiêu thụ là xe điện, tức là 70% ôtô còn lại vẫn là xe xăng. Các nước Âu Mỹ vẫn cần lộ trình 10-15 năm để người dân, người dùng chấp nhận xe điện song song tồn tại cùng xe xăng. Quá trình này giống như ở Việt Nam, bếp điện từ đã rẻ và tốt lắm rồi nhưng người dân vẫn dùng bếp gas, thậm chí vẫn còn nhà dùng bếp than tổ ong. Đây là vấn đề xã hội, không đơn thuần là chuyện kinh tế và ngay lập tức có thể chuyển hoàn toàn sang xe điện”, ông Hiếu cho biết.