Theo Grand View Research, giai đoạn năm 2024-2031, thị trường ví điện tử toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh. Năm 2022, quy mô thị trường ví điện tử toàn cầu được ước tính là 8.42 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 23.4% cho đến năm 2030.
Hiện ví nóng vẫn thống trị thị trường với thị phần doanh thu hơn 55%. Ví nóng được ưa chuộng do luôn kết nối với Internet và hỗ trợ nhiều mạng lưới blockchain. Từ đó, người dùng có thể giao dịch và di chuyển tài sản mã hóa nhanh chóng và tiện lợi.
Các nhà nghiên cứu nhận định NFT đã góp phần giúp khái niệm Web3 phổ biến với công chúng hơn. Đồng thời, sự phát triển của hệ sinh thái tài chính phi tập trung (DeFi) là một trong những động lực thúc đẩy thị trường ví điện tử. Để tương tác với các ứng dụng DeFi, ví là thành phần không thể thiếu của người dùng.
Trải nghiệm DeFi đơn giản trên ví
Sự nổi lên của DeFi là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong không gian tài sản mã hóa.
Ngày càng nhiều ví tích hợp với các nền tảng DeFi, cho phép người dùng truy cập trực tiếp các dịch vụ cho vay, staking để kiếm thêm lợi nhuận. Bước tích hợp này giúp người dùng tham gia DeFi dễ dàng hơn khi mọi trải nghiệm Web3 đều được “đóng gói” trong một chiếc ví.
Trong 2022-2023, dự án Coin98 Super Wallet đã phát triển 2 ứng dụng DeFi là Baryon Network và Saros Finance. Người dùng có thể truy cập 2 nền tảng này thông qua trình duyệt web của Coin98 để farming và staking token.
Ngoài ra, Coin98 và nhiều dự án khác cũng tích hợp trực tính năng staking trong ví. Người dùng chỉ cần lưu giữ token, vào mục staking là có thể nhận được phần thưởng token.
Tương tự gửi tiết kiệm ở ngân hàng, staking là khóa lại một lượng token nhất định để thu lợi nhuận. Phần thưởng này phụ thuộc vào đầu tư ban đầu của người dùng, bao gồm số lượng token và thời gian họ đã stake.
Nhằm mở rộng phạm vi khách hàng, NFT và game cũng là mảnh ghép quan trọng trong các dự án Web3. Đây là lý do không ít sản phẩm ví đã cho phép người dùng kết nối với game blockchain ngay trong ứng dụng của mình, đi kèm theo đó là marketplace để người dùng có thể dễ dàng trao đổi các vật phẩm NFT.
Phần thưởng cho “khách hàng thân thiết”
Từ lâu, airdrop – thưởng token cho người dùng – đã là khái niệm kiếm tiền phổ biến trong cộng đồng Web3. Đồng thời, đây cũng là cách marketing để các dự án blockchain đến với nhiều người dùng hơn, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái.
Các ví điện tử cũng không ngoại lệ. “Khách hàng thân thiết” ở đây không nhất thiết là người dùng của chính ứng dụng đó. Họ có thể là người dùng những sản phẩm tương tự, có tiềm năng trở thành khách hàng tương lai của dự án.
Chẳng hạn, tháng 12/2023, một dự án ví trên blockchain Ethereum đã tặng cho mỗi người dùng mạng lưới ít nhất 100 điểm để khuyến khích họ trải nghiệm ví. Số điểm dao động tùy theo khối lượng giao dịch của họ trên các dịch vụ hoán đổi token.
Zen Card, ví hybrid kết hợp ví nóng với ví lạnh, cũng có nước đi tương tự. Tháng 4, Zen Card đã giới thiệu bộ sưu tập NFT mới mang tên “Zen Master” trên blockchain Viction. Toàn bộ người dùng đã mua Zen Card sẽ được airdrop NFT Zen Master.
“Zen Master là bộ sưu tập đặc biệt. Dự án không chỉ tôn vinh những người đầu tiên sử dụng Zen Card, mà còn hỗ trợ cộng đồng tương tác với không gian Web3”, dự án chia sẻ.
Thời gian tới, dự án sẽ hé lộ thêm về tiện ích của Zen Master NFT. Trước mắt, ngày 6/5, người nắm giữ NFT này sẽ có suất mint sớm bộ sưu tập NFT độc quyền mang tên “The Holy Cat”.
“Kiếm tiền đã khó, giữ tiền còn khó hơn”
Theo báo cáo tháng 4/2024 của Chainalysis, các dự án đang tập trung cải thiện bảo mật, minh bạch và phi tập trung cho sản phẩm của mình. Sau sự sụp đổ của các nền tảng blockchain lớn như Terra (LUNA), Celsius và FTX vào năm 2022, người dùng crypto bắt đầu quan tâm đến vấn đề an toàn hơn.
Như vậy, nâng cao an toàn tài sản cũng có thể coi như xu hướng mới của các sản phẩm blockchain nói chung và ví điện tử nói riêng.
Thông qua ví Coin98 Super Wallet, công ty công nghệ Ninety Eight đã đưa ra 2 hình thức lưu trữ tài sản cho những tệp người dùng khác nhau. Đầu tiên, social login (tạo tài khoản bằng mạng xã hội) hướng tới những người mới vào thị trường với nỗi lo quản lý private key (mã khóa).
Tiếp theo, Zen Card là sản phẩm vừa có độ an toàn tương đương ví lạnh, vừa đảm bảo tính tiện lợi của ví nóng. Do Zen Card chia seed phrase (mã khôi phục) của ví thành 2 phần, người dùng luôn cần có cả thẻ Zen lẫn điện thoại mới có thể ký giao dịch.
Qua đó, nhà đầu tư có thể hạn chế rủi ro bị tấn công trực tuyến hay mất tài sản do thất lạc điện thoại. Tuy nhiên, như ví nóng và ví lạnh, người dùng Zen Card cũng cần lưu seed phrase và private key ở nơi an toàn. Khi mất thẻ, người dùng chỉ cần mua thẻ khác và khôi phục ví để tiếp tục sử dụng.
“Zen Card là nơi thích hợp lưu trữ tài sản cho việc đầu tư, không sợ mã độc hay lộ key. Thị trường kiếm tiền đã khó, giữ tiền còn khó hơn”, ông Nguyễn Thế Vinh, CEO Ninety Eight bày tỏ.