Đầu những năm 1960, Honda sử dụng kinh nghiệm chế tạo xe máy để áp dụng vào xe hơi và thành công ngoài mong đợi.
Soichiro Honda, cha đẻ của hãng Honda, nổi tiếng là người ưa thích xe thể thao, nhưng lại không thích động cơ hai thì. Ông không muốn chúng xuất hiện trong sự nghiệp hay trên xe máy của ông, cho nên công ty mang tên vị chủ tịch này là hãng chuyên gia trong việc chế tạo những động cơ 4 xi-lanh 4 thì nhỏ xíu. Khi cuộc đua gia nhập ngành công nghiệp ôtô bắt đầu ráo riết vào những năm 1960, các kỹ sư của Honda đã áp dụng kiến thức chế tạo xe máy đặc biệt của họ vào sản xuất xe hơi, và mang lại thành quả.
Chiếc ôtô đầu tiên của Honda là mẫu bán tải T360, ra mắt năm 1963 với động cơ 360 phân khối (0,36 lít), cam đôi, 4 xi-lanh, công suất khoảng 30 mã lực, và vòng tua máy đạt gần 9.000 vòng/phút, tốc độ tối đa 100 km/h.
Đặt trong bối cảnh khi ấy, động cơ của Subaru đương thời là loại 2 thì 2 xi-lanh, xấp xỉ 360 phân khối, và công suất chỉ bằng một nửa động cơ của Honda. Con số này là một thành quả quan trọng với Honda, bởi lẽ với cùng dung tích xi-lanh, động cơ 2 thì thường có công suất gấp đôi động cơ 4 thì.
Động cơ này thực ra được Honda chế tạo cho chiếc xe thể thao chưa bao giờ được sản xuất, xe mui trần S360. Honda không nghĩ rằng chiếc xe hai chỗ với động cơ nhỏ xíu như vậy có thể bán được trên thị trường, nên thay vào đó hãng ra mắt phiên bản mới với động cơ 500 phân khối, mang tên S500. Cỗ xe có động cơ 4 xi-lanh, 4 thì, trục cam đôi, sử dụng 4 bộ chế hoà khí, vòng tua máy lên tới 9.500 vòng/phút, và sản sinh công suất 44 mã lực.
Nếu tính theo tỷ lệ công suất/dung lít, con số của S500 là khoảng gần 100 mã lực/lít. Đây là một cuộc cách mạng, bởi lẽ lúc đó, mẫu xe thể thao tốt nhất do châu Âu sản xuất, như Porsche Super 90, đã hãnh diện vì sản sinh được công suất 50-55 mã lực/lít, bằng nửa của Honda S500.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng khi ấy là những chiếc xe thể thao như S500/S600 có tìm được khách hàng hay không? May mắn cho Soichiro Honda, người não phải “bay bổng”, bởi ông có một trợ thủ rất thực dụng là Takeo Fujisawa, người đã thuyết phục ông rằng thị trường sẽ có nhu cầu lớn đối với dòng xe tải hạng nhẹ. Vì thế mới có sự kết hợp kỳ lạ, khi một trong những động cơ xe thể thao có công suất riêng cao nhất thế giới cuối cùng lại nằm trong chiếc xe tải T360 lịch sử. Điều này cũng tương đương với việc đặt động cơ xe mui trần Honda S2000 vào một cỗ xe tải nồi đồng cối đá như Isuzu NPR.
Nhờ vào khả năng phi thường của Honda trong việc kết hợp những khối động cơ lại với nhau, cỗ xe nhỏ đáng tin cậy T360 đã ra đời, đặc biệt là trong điều kiện khó khăn của Nhật Bản khi ấy. Con đường cao tốc đầu tiên chỉ vừa được hoàn thành, và hầu hết đường sá ở đất nước này vẫn còn trong tình trạng khá tệ.
Mẫu bán tải mini này được quảng cáo với tên gọi kei car. Tổng cộng 108.920 chiếc T360 được sản xuất từ năm 1963 tới tháng 8/1967 đều được sơn một màu xanh thiên thanh. Thiết kế nắp ca-pô kiểu vỏ sò cũng khiến đèn pha mang hình dáng khác biệt.
Dòng T360 của Honda có rất nhiều phiên bản, bao gồm xe bán tải truyền thống, xe tải sàn phẳng (với tuỳ chọn thùng hở có thành hai bên gấp lại được), và phiên bản thùng kín. Thậm chí còn có cả phiên bản có bánh xích trượt tuyết thay cho bánh sau và được gọi là “xe bánh xích chạy tuyết”. Phiên bản “xe bánh xích chạy tuyết” rất hiếm gặp vì giá cao, dù nó hữu dụng ở miền bắc Nhật Bản. Phiên bản kế tiếp T360 là T500 có động cơ lớn hơn và mạnh mẽ hơn, được chế tạo cho mục đích xuất khẩu.
Honda đã đi được một chặng đường dài kể từ khi sản xuất mẫu T360. Một năm sau khi sản xuất mẫu bán tải này, Honda trở thành hãng ôtô lớn nhất thế giới. Ngày nay, Honda là một trong tám hãng ôtô lớn nhất thế giới. Nếu tính riêng về mặt sản xuất động cơ, Honda đứng nhất toàn cầu vì số lượng động cơ sản xuất ra, khoảng 14 triệu máy mỗi năm.