Đầu tư hơn 18 tỷ USD vào xe ô tô điện, ra mắt 23 mẫu xe xanh mới, trong đó có 15 mẫu chạy hoàn toàn bằng điện, nâng cấp pin lithium-ion và phát triển pin thể rắn… là những gì mà Nissan sẽ thực hiện từ giờ đến năm 2030.
Nikkei Asia cho biết, Nissan Motor có kế hoạch đầu tư 2000 tỷ yên (17,6 tỷ USD) trong 5 năm tới để đẩy nhanh việc phát triển và kinh doanh xe điện của hãng, trong bối cảnh cuộc đua ở ngành này đang sôi động và nhu cầu của khách hàng về xe xanh ngày càng cao.
Đây là khoản đầu tư nằm trong kế hoạch “Nissan Ambition 2030” (‘Tham vọng 2030’) của Nissan nhằm thúc đẩy doanh số xe điện trong thập kỷ này. “Nissan Ambition 2030” phác thảo các mục tiêu dài hạn và chiến lược đầu tư cho phát triển pin và triển khai xe điện.
Mặc dù Nissan là hãng tiên phong trong lĩnh vực này khi tung ra mẫu xe Leaf vào năm 2010, nhưng Leaf chỉ chiếm 2% số xe mới được bán ra trong năm tài chính đến tháng 3/2021. Và đây là lúc hãng cần phải tăng tốc để vượt lên trên các đối thủ của mình.
Kế hoạch “dài hơi” trên cũng cho thấy hãng xe Nhật sẽ không ngồi yên đợi các đối thủ trẻ chiếm mất miếng bánh ngon trong thị phần xe điện.
Ông Makoto Uchida, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) Nissan, cho biết tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 29/11:” Nissan đặt việc điện hóa làm trung tâm chiến lược hướng tới ‘Tham vọng Nissan 2030’”.
Cụ thể, trong 5 năm tới, Nissan sẽ đầu tư 2.000 tỷ Yên để phát triển công nghệ xe điện, bao gồm xe điện pin và xe hybrid. Hãng xe Nhật kỳ vọng sẽ ra mắt 23 mẫu xe điện khí hóa mới, trong đó có 15 mẫu chạy hoàn toàn bằng điện. Đến năm 2026, Nissan đặt mục tiêu hơn 55% doanh số bán hàng là xe điện ở Nhật Bản và 40% ở Trung Quốc. Tại Hoa Kỳ, xe điện sẽ chiếm 40% doanh số bán hàng vào năm 2030. (Hiện tại là 2%).
Từ năm 2010 đến nay, Nissan đã đầu tư 1.000 tỷ Yên cho lĩnh vực này, bao gồm đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng sạc pin xe điện.
Ông Uchida cho biết pin sẽ là “chìa khóa” để tiến tới điện khí hóa hoàn toàn và mở rộng thị trường ô tô điện. Để đảm bảo nguồn cung cấp pin ổn định, Nissan sẽ làm việc với các đối tác để đạt công suất sản xuất 130 gigawatt giờ trên toàn cầu vào năm 2030.
Công ty cho biết họ đang nghiên cứu công nghệ pin không có coban để cắt giảm hơn 65% chi phí của pin lithium-ion lỏng vào năm 2028 so với loại pin hiện đang được sử dụng trong Leaf thế hệ thứ 2.
Công ty cũng sẽ đẩy mạnh phát triển pin thể rắn hoàn toàn như một loại pin thế hệ tiếp theo. Uchida cho biết công ty đặt mục tiêu thiết lập một dây chuyền sản xuất thử nghiệm vào năm 2024 tại nhà máy ở Yokohama, phía tây nam Tokyo và đưa ra thị trường loại pin này vào năm 2028. Nissan hiện đang sản xuất pin thử nghiệm tại cơ sở nghiên cứu của họ.
Pin thể rắn được coi là ổn định hơn và an toàn hơn so với pin lithium-ion (vốn dễ bắt lửa) hiện đang được sử dụng để cung cấp năng lượng cho ô tô điện.
Ông Uchida cho biết loại pin mới có thời gian sạc nhanh chỉ bằng 1/3 so với các loại pin hiện nay, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu của Nissan là hạ giá thành pin điện xuống còn 65 USD/kilowatt-giờ. Điều này giúp công ty đạt được mức chi phí tương đương giữa xe điện và xe chạy xăng, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện.
Ngoài ra, Nissan cho biết công nghệ hybrid e-Power là một phần quan trọng khác trong chiến lược điện khí hóa của họ. Vì họ muốn cung cấp nhiều sự lựa chọn cho những khách hàng chưa sẵn sàng với các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Không giống như các công nghệ hybrid tại Toyota Motor và Honda Motor, dựa trên động cơ đốt trong và động cơ điện, hệ thống e-Power sử dụng một động cơ để tạo ra điện và một động cơ điện để giúp di chuyển xe.
Nissan cũng đặt mục tiêu trung hòa carbon trong suốt vòng đời các sản phẩm của mình vào năm 2050.
Trước đó, Toyota cũng công bố chi 14 tỷ USD để phát triển pin xe điện. Hãng này cũng muốn cắt giảm một nửa giá pin vào khoảng năm 2025. Vào thời điểm đó, hãng cũng hy vọng sẽ có pin thể rắn trên đường và cho biết rằng họ đã bắt đầu lái thử một mẫu hoạt động vào năm ngoái.
Và để làm được điều đó, họ quyết định sẽ đổ 14 tỷ USD vốn vào việc phát triển công nghệ pin, từ giờ đến năm 2030. Tuy nhiên, Toyota không có ý định “bỏ hết trứng vào 1 rổ”. Họ sẽ đầu tư cho nhiều dạng pin, từ pin thể rắn, pin lithium-ion đến pin nickel hydride.