Sản xuất xe điện, có thể giúp nhiều hãng xe cắt giảm được nhân sự, đồng nghĩa hàng trăm nghìn người có thể đứng trước nguy cơ mất việc.
Khi sự chuyển dịch từ nhiên liệu đốt trong sang điện tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong ngành công nghiệp ôtô, động cơ đốt trong cũng như những người thợ thủ công tạo ra chúng đang dần mất đi chỗ đứng.
Khi những chiếc xe điện như EV1 (là một mẫu xe điện của General Motors được phát triển năm 1996-1999) xuất hiện trên đường vào cuối những năm 90 và đầu những năm 2000, không nhiều người coi trọng chúng. Tuy nhiên cục diện thay đổi trong vài năm trở lại đây, hầu hết các nhà sản xuất ôtô lớn đã tự đặt ra kế hoạch khai tử động cơ đốt trong trong vòng ít nhất là 10-20 năm nữa.
Nhật Bản, một trong những quốc gia sản xuất ôtô hàng đầu thế giới, đang phải đối mặt với vấn đề dư thừa việc làm. Honda Motor đã thông báo rằng tháng 6/2025 sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất hệ thống truyền động ở Moka, đây là một phần trong cam kết hướng tới một tương lai chỉ có xe điện. Điều này có nghĩa là khoảng 900 nhân viên của họ sẽ được chuyển đến các địa điểm khác.
Honda cũng cho biết dòng xe của họ sẽ hoàn toàn chạy bằng điện hoặc hydro vào năm 2040 và sáng kiến mới của họ về việc này là cho nhân viên trên 55 tuổi nghỉ hưu sớm bắt đầu từ mùa xuân năm nay, đang cho thấy nhu cầu giảm lực lượng lao động.
Theo các chuyên gia trong ngành, chỉ cần một nửa số bộ phận để chế tạo một động cơ điện so với chế tạo một động cơ đốt trong. Xe điện có ít linh kiện hơn bao gồm động cơ và bộ biến tần, cùng với một số thành phần khác, chế tạo ít phức tạp hơn. Điều này mở ra cánh cửa cho những doanh nghiệp mới, những người có lợi thế tập trung vào thiết kế và phần mềm trong khi việc sản xuất thực tế có thể bị giảm đi hoặc được thuê ngoài cho các nhà thầu thứ ba.
Một công ty đã để mắt đến ngành này là Hon Hai Precision Industry, nhà sản xuất điện tử Đài Loan vốn được biết đến với tên gọi khác là Foxconn. Công ty nổi tiếng với việc lắp ráp các sản phẩm toàn cầu như iPhone, PlayStation và Xbox. Foxconn tham gia với mục đích cung cấp một điểm đầu vào cho các doanh nghiệp ôtô để phục vụ cho nhóm khách hàng này mà không phải chịu gánh nặng tài chính về việc xây dựng nhà máy và họ đã ký một thỏa thuận với Stellantis (hãng do Fiat Chrysler và PSA sáp nhập).
Châu Âu, Đức cũng đang đối mặt với các vấn đề dư thừa việc làm, khi họ dẫn đầu việc chuyển đổi xe điện. Viện nghiên cứu kinh tế Ifo có trụ sở tại Munich đã tiến hành một cuộc khảo sát kết luận rằng có tới 215.000 việc làm sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi. Năm 2019 chứng kiến hơn 600.000 việc làm tạo ra hoặc liên quan đến sản xuất động cơ đốt trong, chiếm tới 40% lực lượng lao động của ngành.
Việc sản xuất ôtô điện cũng sẽ ảnh hưởng tới một số mặt hàng gia dụng. Giá các nguyên liệu thô như lithium carbonat và đồng đã tăng chóng mặt kể từ khi các nhà sản xuất ôtô tăng cường sản xuất xe điện, họ có khả năng sẽ đẩy giá các sản phẩm gia dụng, hầu hết sử dụng cùng một nguyên liệu cho mục đích sản xuất của họ.