Khởi nguồn của vô-lăng vuông
Vô lăng vuông không phải là một ý tưởng mới. Khi chiếc Voisin C6 Laboratoire cải tiến xuất hiện vào năm 1923, những chiếc xe hơi thời đó mới từ bỏ tay lái hình chiếc gậy không lâu. Vì vậy, một chiếc vô-lăng vát phẳng cả trên và dưới giống như vô lăng được trang bị cho một số siêu xe hiện đại ngày nay cũng gây sự hiếu kỳ lớn với người dân thời đó.
Các nhà thiết kế ô tô đã thử nghiệm vô-lăng vuông vào đầu những năm 1960 trên các mẫu xe concept như Corvair Testudo và những chiếc xe sản xuất đại trà như Plymouth Fury. Một ưu điểm thường được đưa ra khi áp dụng vô-lăng vuông là hình dạng bất thường cho phép tài xế nhìn rõ hơn đồng hồ lái phía trước.
Một lý do khác là phần đáy phẳng bên dưới giúp tăng chỗ để chân trong xe. Nhưng lập luận đó mất đi sức thuyết phục khi xét đến tỷ số quay vòng trên hầu hết các mẫu xe cũ khi người lái thường xuyên phải quay hết vô-lăng cho đến khi phần vành tròn đã ở ngay trên hai đùi.
Sự trở lại của vô-lăng vuông
Giữa những năm 2000, trào lưu vô-lăng không phải hình tròn bắt đầu bùng nổ. Những chiếc xe như Lamborghini Gallardo và Audi RS 4 B6 thiết lập một xu hướng mới và ngày nay hầu hết những chiếc xe thậm chí được quảng cáo là mạnh hơn bản thông thường một chút đều có vô-lăng vát đáy.
Tới những năm 2010, vô-lăng vát đáy trở thành phẳng toàn bộ với những chiếc xe như LaFerrari và Aston Martin DB11 sở hữu tay lái hình vuông.
Tới nay, vô-lăng hình vuông đã chính thức nhường chỗ cho vô-lăng hình chữ nhật. Lấy cảm hứng từ các dòng xe đua F1, một loạt siêu xe mới nhất đều có bánh xe hình chữ nhật đủ loại. Một số ví dụ phải kể đến như Aston Martin Valhalla, Aston Martin Valkyrie. Trong khi đó, các siêu xe như Lotus Evija và AMG One có vô-lăng vuông vức ở phía trên nhưng lại cong vào trong ở cạnh dưới.
Đáng chú ý, Bugatti Bolide, Lamborghini Esenza, Aston Martin Victor và Tesla Model S hoàn toàn không có cạnh trên của vô lăng. Đây là sự loại bỏ hợp lý khi các tài xế siêu xe này không phải chống tay lên vô-lăng chờ tắc đường như tại Việt Nam.