Huawei – một trong những công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất toàn cầu, đã công bố mức phí bản quyền đối với chương trình cấp phép bằng sáng chế của các thiết bị cầm tay, Wi-Fi và IoT. Tại sự kiện thường niên hàng đầu về đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Huawei – Bridging Horizons Of Innovations 2023, ông Song Liuping – Giám đốc Pháp chế của Huawei nhấn mạnh rằng: “Huawei sẵn sàng chia sẻ bằng sáng chế đổi mới sáng tạo với cả thế giới. Những nỗ lực này sẽ đóng góp vào sự phát triển chung, mang tính bền vững của các ngành trên toàn cầu”.
Tại sự kiện, các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham gia vào các phiên thảo luận, chia sẻ về cách thức ứng dụng công nghệ tại nhà, trên đường phố và tại nơi làm việc. Các công nghệ này bao gồm những nghiên cứu hàng đầu về 5.5G, công nghệ âm thanh và video, công nghệ camera điện thoại với sự điều chỉnh kích cỡ khẩu độ lên đến 10 lần, mạng chung thông minh giúp ôtô phát hiện chướng ngại vật và xác định các vật thể bất thường, thuật toán thiết lập lịch trình sản xuất thông minh và tối ưu hóa.
Huawei cam kết cấp phép các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (Standard Essential Patents – SEP) theo nguyên tắc công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử (FRAND). Đồng thời, Huawei cũng công bố mức phí bản quyền cho tất cả lĩnh vực mà công ty đang sở hữu, bao gồm thiết bị cầm tay 4G và 5G, thiết bị Wi-Fi 6 và các sản phẩm IoT. Cụ thể, mỗi thiết bị cầm tay 4G và 5G sẽ có mức phí bản quyền tối đa lần lượt là 1,5 USD và 2,5 USD. Mỗi thiết bị người dùng Wi-Fi 6 sẽ có phí bản quyền là 0,5 USD. Với mỗi thiết bị IoT Centric sẽ có phí bản quyền là 1% trên giá bán thực tế, giới hạn ở mức 0,75 USD; còn phí cho mỗi thiết bị IoT nâng cao sẽ dao động trong khoảng 0,3-1 USD.
Ông Alan Fan – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Bộ phận Quyền Sở hữu Trí tuệ của Huawei, nhấn mạnh chìa khóa để đổi mới sáng tạo bền vững là xây dựng chu kỳ tích cực: các nhà phát minh được ủng hộ, bảo vệ tác quyền và được vinh danh. Ông nhấn mạnh rằng: “Huawei đang triển khai cách thức tiếp cận cân bằng đối với chương trình cấp phép bằng sáng chế. Chúng tôi tin rằng, mức phí bản quyền hợp lý sẽ khuyến khích mạnh mẽ các bên tạo ra những sáng kiến đổi mới và ứng dụng chúng vào thực tế”.
Ông Alan Fan cũng cho biết thêm, tính đến nay, Huawei đã ký gần 200 giấy phép bằng sáng chế song phương. Ngoài ra, hơn 350 công ty đã nhận được giấy phép sử dụng bằng sáng chế của Huawei thông qua mô hình liên kết thương mại hóa sáng chế. Thông qua các bằng sáng chế, tổng số tiền bản quyền mà Huawei thanh toán gấp khoảng 03 lần tổng số tiền bản quyền thu được; doanh thu giấy phép năm 2022 của Huawei lên tới 560 triệu USD.
Tham dự sự kiện trực tuyến, ông Tomas Lamaauskas – Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế đánh giá cao vai trò chủ chốt của Huawei trong quá trình hợp tác đổi mới sáng tạo toàn diện và hỗ trợ hiệu quả về chi phí. Ông cho biết: “Giữa bối cảnh chúng ta đang nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu và cố gắng đạt mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), những chính sách có lợi là điều cần thiết để thúc đẩy các hệ sinh thái đổi mới phát triển”.
Suốt 20 năm qua, Huawei đã không ngừng đóng góp to lớn vào việc xây dựng các tiêu chuẩn ICT, chẳng hạn như các chương trình mã hóa đa phương tiện, Wi-Fi và di động. Để đạt được những thành công đó, Huawei đã liên tiếp đầu tư 140,55 tỷ USD vào các hoạt động R&D trong suốt 10 năm qua. Trong năm 2022, số tiền chi tiêu vào R&D của công ty đạt tới 23,23 tỉ USD, chiếm 25,1% tổng doanh thu cả năm. Trong cùng năm, Huawei đứng thứ 4 trên thế giới trong bảng xếp hạng Đầu tư R&D công nghiệp năm 2022 của Ủy ban Châu Âu.
Huawei còn ký kết giấy phép bằng sáng chế với các hãng công nghệ hàng đầu như Samsung và Oppo, cũng như các nhà sản xuất ôtô lớn bao gồm Mercedes-Benz, Audi, BMW, Porsche, Subaru, Renault, Lamborghini và Bentley, đồng thời tích cực ủng hộ và hỗ trợ các tổ chức công nghiệp lớn trên toàn cầu.
Cũng tại sự kiện, Huawei chính thức giới thiệu website cung cấp thông tin chi tiết về các chương trình cấp phép song phương, từ thiết bị cầm tay di động đến Wi-Fi và kết nối cảm biến IoT. “Quyền sở hữu trí tuệ chính là động lực hợp tác trong ngành công nghệ, thúc đẩy cải tiến kỹ thuật để các bên đều có lợi”, ông Randall R. Rader, cựu Chánh án Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ, bày tỏ về những nỗ lực của Huawei.