Trong số 1,8 triệu lượt ô tô đăng kiểm trong 6 tháng đầu năm 2021 có hơn 171.000 xe ô tô không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Đăng kiểm xe ô tô được xem là một thủ tục bắt buộc theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải đối với những ai đang sở hữu xe ô tô tại Việt Nam. Theo đó, tùy theo từng loại xe, năm sản xuất cơ quan chuyên ngành đăng kiểm sẽ đưa ra các tiêu chí kiểm định theo chu kỳ thời gian cụ thể để đánh giá xem liệu xe có đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật hay không?
Theo thông tin mới nhất từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021 (tính đến ngày 20.6), các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước tiếp nhận đăng kiểm định kỳ 1,8 triệu lượt xe ô tô. Trong số này, có hơn 171.000 xe ô tô, chiếm khoảng 9,4% “trượt” đăng kiểm, tức không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến ô tô bị từ chối hoặc không đạt chuẩn đăng kiểm. Trong đó, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam phần lớn phương tiện trượt kiểm định trong 6 tháng đầu năm 2021 là do có khiếm khuyết kỹ thuật về hệ thống phanh, lái, gầm, trượt ngang, khí thải, lốp, đèn… Các trường hợp xe không đạt chuẩn kiểm định đều phải khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết kỹ thuật được đơn vị đăng kiểm thông báo.
Với các xe “trượt” đăng kiểm trung tâm đăng kiểm chỉ thông báo về hạng mục kỹ thuật không đạt, tư vấn nguyên nhân. Sau đó, chủ phương tiện phải tự đưa xe đi khắc phục, sửa chữa, chỉ khi nào xe đạt chuẩn kiểm định mới được cấp giấy chứng nhận, tem đăng kiểm để lưu hành.
Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện tại cả nước có 250 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm đang được phép hoạt động, tăng 18 đơn vị so năm 2020.
Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã lên kế hoạch số hóa lĩnh vực kiểm định xe cơ giới nhằm giúp chủ phương tiện thuận tiện hơn trong việc lưu trữ thông tin, góp phần giảm thủ tục và chi phí trong lĩnh vực đăng kiểm. Trong đó, hướng tới việc bỏ giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới đồng thời xây dựng chương trình phần mềm quản lý kiểm định phương tiện.