Báo cáo mới nhất của Công ty phân tích dữ liệu ô tô Jato Dynamics công bố mới đây cho thấy, thị trường ô tô điện đang dần phân hoá. Trong vòng 10 năm trở lại đây, giá bán ô tô điện ở các thị trường phương Tây đã có sự chênh lệch đáng kể so với giá xe điện ở Trung Quốc.
Theo báo của Jato Dynamics, giá trung bình của một chiếc ô tô điện mới ở Trung Quốc đã giảm 47% từ mức 41.800 euro tương đương 48.889 USD vào năm 2011 xuống còn 25.848 USD ở thời điểm hiện nay. Trong khi đó, giá bán trung bình ô tô điện ở châu Âu đã tăng từ 33.292 euro (khoảng 38.938 USD) vào năm 2012 lên 42.568 euro (khoảng 49.787) trong năm nay, tương đương mức tăng giá khoảng 28%. Giá bán trung bình ô tô điện tại Mỹ thậm chí còn tăng tới 38% trong thập kỷ qua.
Tại một số quốc gia ở châu Âu như Anh, Hà Lan… giá bán ô tô điện cao hơn từ 52 – 54% so với ô tô sử dụng động cơ đốt trong chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu. Chỉ có Na Uy là quốc gia duy nhất đi ngược xu hướng này khi giá bán trung bình mỗi chiếc ô tô điện thấp hơn ô tô sử dụng động cơ đốt trong khoảng 8.500 euro, tương đương 9.941 USD.
Xu hướng này cũng đang diễn ra ở Trung Quốc – nơi vốn được xem là thị trường ô tô lớn nhất thế giới hiện nay. Tại Trung Quốc, khách hàng có thể mua một chiếc ô tô điện hoàn toàn mới với giá chỉ 3.700 euro, tương đương 4.327 USD. Thậm chí giá bán một số mẫu ô tô điện cỡ nhỏ tại Trung Quốc còn chưa tới 100 triệu đồng.
Ngoài các yếu tố về mặt chất lượng, hàm lượng công nghệ của mỗi thương hiệu… Theo Jato Dynamics, sự chênh lệch giá bán ô tô điện giữa Trung Quốc với các thị trường Mỹ cũng như châu Âu đến từ định hướng và chính sách đầu tư hỗ trợ của chính phủ đối với ô tô điện.
Thành công của Trung Quốc trong việc sản xuất ô tô điện giá cả phải chăng nhờ vào một số yếu tố, trong đó bao gồm quyết định đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc vào thị trường nội địa ngay từ đầu năm 2009. Trung Quốc đã áp dụng chương trình để cung cấp các ưu đãi lên tới 60.000 nhân dân tệ (hơn 9.000 USD) cho các giao dịch mua xe điện tư nhân và 50.000 nhân dân tệ (gần 8.000 USD) cho khách hàng tư nhân mua xe hybrid sạc điện tại 5 thành phố (Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu, Hợp Phì và Thường Châu).
Theo kế hoạch, chương trình ưu đãi trợ giá cho khách mua ô tô điện tại Trung Quốc sẽ được duy trì trong 10 năm và dần kết thúc từ tháng 12 năm 2020. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh Covid-19, chính phủ Trung Quốc đã linh hoạt tiếp tục gia hạn gói ưu đãi với tỷ lệ hỗ trợ thấp hơn trước đây cho người dân mua ô tô điện nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng. Hiện tại, nhiều nhà sản xuất ô tô điện ở Trung Quốc đã chủ động trong snar xuất, kinh doanh để từng bước hạ giá ô tô điện.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ở châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào các kế hoạch của chính phủ để ô tô điện có giá phải chăng hơn.
Đặc biệt, khác với thị trường Mỹ và châu Âu, các nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc chủ yếu tập trung vào phân khúc ô tô điện bình dân. Khoảng 40% doanh số bán ô tô điện tại Trung Quốc đến từ phân khúc xe điện cỡ nhỏ dành cho đô thị. Phân khúc này có giá trung bình khoảng 6.700 euro (tương đương 7.836 USD). Trong đó, ô tô điện có giá rẻ nhất chỉ 3.700 euro, tương đương 4.327 USD. Ở châu Âu, ô tô điện có giá thấp nhất cũng lên đến 18.093 USD, ở Mỹ thậm chí lên đến 29.000 USD.
David Krajicek – Giám đốc điều hành Jato Dynamics cho biết: “Với mục tiêu mở rộng thị trường xe điện, chính phủ các nước cũng như các nhà sản xuất ô tô đã đạt được tiến bộ đáng kể trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô điện vẫn chịu áp lực trong việc thích ứng với các yêu cầu của mục tiêu bền vững và sự thay đổi của từng thị trường”.
Báo cáo của Jato Dynamics không chỉ ra các phương án cụ thể về việc các nhà sản xuất ô tô châu Âu và Mỹ sẽ thích ứng như thế nào khi các ưu đãi từ Chính phủ các nước đối với ô tô điện bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, Jato Dynamics cũng chỉ ra một số trường hợp điển hình như Tesla và Volkswagen về cách giảm chi phí sản xuất và cải thiện lợi nhuận.
Tesla đã tăng sản lượng toàn cầu lên mức “kỷ lục” (khoảng 109%) chỉ riêng ở hai nhà máy trong năm nay, trong khi loạt xe điện ID của Volkswagen đang được triển khai trên nền tảng MEB có thể mở rộng và đáp ứng với bất kỳ loại xe nào.
Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới ngày càng chú trọng đề ra các giải pháp để bảo vệ môi trường, giảm thiểu yếu tố tác động dẫn đến biến đổi khí hậu, hiện tại một số quốc gia ở châu Âu, Mỹ đã bắt đầu thúc đẩy ô tô điện trở thành xu hướng chủ đạo.