Ford được công nhận là tập đoàn tiên phong về phát triển bền vững, đánh giá bởi tổ chức CDP, với vị trí trong Danh sách hạng A danh giá vì những nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ nguồn nước.
Ford kiên quyết cải thiện vấn đề biến đổi khí hậu
Chống biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước là những hạng mục trọng yếu trong chiến lược phát triển bền vững dài hạn của tập đoàn Ford, hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải carbon. Đây là năm thứ hai liên tiếp tập đoàn Ford, một trong 270 tập đoàn trên toàn cầu, có mặt trong danh sách hạng A của CDP vì những hoạt động đáng chú ý nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu. Ford đã được xếp hạng A trong sáu năm liên tiếp với nỗ lực giảm tiêu thụ nước, và là một trong 106 doanh nghiệp hàng đầu giành được vị trí này trong hạng mục an ninh nguồn nước.
“Chúng tôi đang triển khai những bước tiến thực tế nhằm giảm thiểu tác động của con người lên môi trường.”- Ông Bob Holycross, Giám đốc Khối Môi trường, An toàn và Phát triển Bền vững của tập đoàn Ford chia sẻ. “Nhân viên, khách hàng và các nhà đầu tư đều đặt kỳ vọng vào những hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Ford, và chúng tôi luôn sẵn sàng để vượt qua thử thách này, vì một hành tinh khỏe mạnh và an toàn chính là bước đệm cho sự phát triển của tập đoàn Ford.”
Ford là nhà sản xuất ô tô đa phân khúc duy nhất của Mỹ cam kết giảm lượng khí thải CO2 theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đầu năm nay, tập đoàn thông báo mục tiêu đạt được trung hòa carbon trên toàn cầu trước năm 2050, đồng thời đề ra các mục tiêu bước đệm cấp bách để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ford cũng là tập đoàn đi đầu khi đạt được thỏa thuận tình nguyện với bang California nhằm cắt giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, tập đoàn Ford cũng đang tiến hành đầu tư hơn 11,5 tỷ USD vào xe điện cho đến năm 2022. Năm 2017, Ford đã hoàn thành mục tiêu giảm thiểu 30% lượng khí thải carbon từ các hoạt động sản xuất của nhà máy trên toàn cầu, sớm hơn 8 năm so với mục tiêu ban đầu là năm 2025.
Nỗ lực bảo vệ nguồn nước trong quá trình sản xuất
Kể từ năm 2000, tập đoàn đã nỗ lực bảo tồn nguồn nước thông qua sáng kiến về nguồn nước toàn cầu và giảm thiểu 70% lượng nước tiêu thụ trong quá trình vận hành, tiết kiệm hơn 11 tỷ gallon nước.
Đồng thời, Ford tiếp tục ứng dụng các quy trình và công nghệ tiết kiệm nước, với mục tiêu dài hạn không sử dụng nước ngọt trong hoạt động sản xuất và lắp ráp xe. Cụ thể, công ty đã tiến hành xử lý nội bộ và sử dụng nguồn nước đến từ nhà cung cấp bên ngoài tại nhà máy Irapuato, Mexico. Hệ thống xử lý và tái chế nước thải đã được lắp đặt tại bốn nhà máy của Ford tại Trung Quốc. Và ở Hoa Kỳ, các nhà máy lắp ráp của Ford bao gồm Flat Rock (Michigan) và Kansas City (MO) đã được trang bị hệ thống xử lý và tái chế tiên tiến nhằm mục đích tái sử dụng nước thải trong các khu vực xưởng sơn.
“Chúng tôi xin gửi lời chúc mừng tới tất cả những công ty trong Danh sách hạng A năm nay” – Ông Paul Simpson, Tổng Giám đốc Điều hành của CDP chia sẻ. “Việc dẫn đầu trong sự minh bạch và hành động vì môi trường là một trong những bước tiến quan trọng của doanh nghiệp, và điều này càng ấn tượng hơn trước những thách thức của dịch COVID-19 trong năm nay”.
“Mức độ rủi ro của tác động biến đổi khí hậu, nạn phá rừng, và an toàn nguồn nước đối với doanh nghiệp là rất lớn, và chúng ta đều biết rằng cơ hội khi chúng ta hành động sẽ lớn hơn nhiều so với rủi ro khi chúng ta không làm gì cả. Danh sách hạng A của chúng tôi tôn vinh những công ty đang sẵn sàng bứt phá trong nền kinh tế tương lai thông qua các hành động ngay từ bây giờ.”
Kể từ năm 2000, Báo cáo Phát triển Bền vững hàng năm của Ford đã ghi lại những đóng góp của công ty trên phạm vi rộng cũng như những thành tựu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo tồn nước và chất lượng không khí, cùng các vấn đề khác.
Về CDP
CDP đã sử dụng một phương pháp chi tiết và độc lập để đánh giá các công ty thông qua việc xếp loại từ A tới D dựa vào mức độ toàn diện trong việc công khai, nhận thức và quản lý những rủi ro môi trường và các hoạt động thực tiễn minh chứng cho sự tiên phong bảo vệ môi trường, ví dụ như đề ra những mục tiêu tham vọng và ý nghĩa. Những công ty không công khai hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin sẽ bị xếp loại F.
Quy trình đo lường và công khai các thông tin môi trường hàng năm của CDP được công nhận rộng rãi là tiêu chuẩn vàng về minh bạch hoạt động môi trường của doanh nghiệp. Trong năm 2020, hơn 515 nhà đầu tư với tổng tài sản hơn 106 nghìn tỷ USD và hơn 150 công ty thu mua lớn với 4 nghìn tỷ USD chi tiêu cho mua sắm đã yêu cầu các công ty đối tác công bố dữ liệu về tác động môi trường, rủi ro và cơ hội thông qua nền tảng của CDP. Hơn 9.600 doanh nghiệp đã phản hồi – con số được ghi nhận cao nhất từ trước đến nay.