Nhiều mẫu ôtô ra mắt tại Việt Nam thời gian vừa qua được trang bị những tiện nghi và công nghệ an toàn hiện đại, lần đầu xuất hiện trong phân khúc.
Những năm gần đây, người dùng Việt Nam bắt đầu chú trọng hơn đến tiện nghi và tính năng an toàn khi chọn mua xe. Thị phần dẫn đầu của những dòng ôtô mẫu mã bắt mắt, nhiều option, giá bán hợp lý khiến các hãng xe đều phải điều chỉnh chính sách giá và cấu hình sản phẩm.
Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, cuộc đua trang bị trên những mẫu ôtô ra mắt tại Việt Nam sôi động hơn đáng kể. Cụm từ “lần đầu xuất hiện trong phân khúc” cũng vì thế mà được nhắc đến nhiều hơn ở các sự kiện giới thiệu xe mới.
Cuộc đua ở mọi phân khúc
Những tính năng trợ lái hiện đại như kiểm soát hành trình thích ứng, hỗ trợ giữ làn, đỗ xe hay phanh khẩn cấp từ lâu đã có mặt trên một số mẫu xe bán ở Việt Nam như Ford Focus 2016, Ranger 2016, Mazda CX-5 2018, hay Mazda3 2019.
Tuy nhiên, trang bị an toàn thực sự trở thành xu hướng từ năm 2020, khi nhiều hãng liên tục ra mắt các gói an toàn trên những dòng sản phẩm mới.
Cụ thể, Honda giới thiệu gói Honda Sensing trên đời CR-V hiện hành. Ra mắt sau đó vào tháng 8/2020, Corolla Cross là mẫu xe Toyota đầu tiên tại Việt Nam có gói Toyota Safety Sense. Cũng trong giai đoạn này, Mitsubishi đưa gói an toàn e-Assist lên phiên bản cao nhất của Outlander.
Cuối năm ngoái, Kia gia nhập cuộc đua trang bị an toàn với gói ADAS trên Sorento mới. Gần đây nhất, Hyundai ra mắt gói SmartSense cùng Santa Fe 2021.
Cùng với i-Activsense của Mazda hay EyeSight của Subaru, hiện tại hầu hết hãng ôtô tại Việt Nam đều đã có gói an toàn riêng, dần phổ biến trên nhiều dòng sản phẩm như sedan, SUV hay bán tải.
Nếu trang bị an toàn là cuộc đua tranh của các mẫu xe giá trên 800 triệu đồng thì ở tầm giá thấp hơn, những option trước kia chỉ có ở phân khúc cao hơn đang trở thành xu hướng.
Đơn cử là camera 360 độ. Trước kia, hệ thống này chỉ xuất hiện phổ biến trên các mẫu xe sang, xe đắt tiền. Tuy nhiên bước sang năm 2021, một số mẫu xe bình dân đã được hãng trang bị camera 360 độ như Nissan Almera, Mitsubishi Xpander hay MG ZS. Nhiều hãng và đại lý cũng tặng kèm người dùng option nâng cấp này khi mua xe.
Ga tự động là một tính năng khác cũng dần trở thành trang bị “quốc dân”, sau khi Hyundai Grand i10 2021 là mẫu xe hạng A đầu tiên có option này. Hiện tại, cruise control đã có mặt tại hầu hết phân khúc ôtô ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, cụm từ “lần đầu tiên xuất hiện trong phân khúc” cũng được nhắc đến nhiều hơn tại các sự kiện giới thiệu ôtô mới thời gian gần đây. Tùy từng nhóm xe mà đó có thể là cửa gió hàng ghế sau, cửa sổ trời toàn cảnh, bảng đồng hồ kỹ thuật số, cruise control, camera 360 độ hay tính năng nổ máy từ xa.
Chuyên gia ôtô Hoàng Linh nhận định việc các hãng chuyển sang chạy đua tiện nghi, an toàn khởi nguồn từ nhiều nguyên nhân.
Trước hết, khi chất lượng xe đã tạm đủ đáp ứng nhu cầu phần đông người dùng Việt, các nhà sản xuất cần “vũ khí” mới để thu hút khách hàng, và dễ nhất chính là trang bị.
Thứ hai, bản thân tâm lý tiêu dùng của thị trường Việt Nam cũng rất chuộng các tiện nghi hào nhoáng – vốn đã góp phần lớn vào thành công vài năm qua của các thương hiệu xe Hàn Quốc, Trung Quốc.
Thứ ba, thị hiếu và hiểu biết về ôtô của người tiêu dùng đã có bước tiến dài trong vài năm gần đây. Kinh tế cũng khá giả hơn, khiến họ mạnh dạn hơn nhiều trong việc chọn lựa xe. Nhu cầu đối với các option cũng theo đó tăng lên.
“Một số yếu tố khách quan cũng thúc đẩy sự hiện diện của các trang bị tiện nghi, an toàn. Ví dụ, đường sá ngày càng đẹp hơn khiến kiểm soát hành trình thích ứng trở nên hấp dẫn, những rủi ro trong giao thông khiến phanh tự động khẩn cấp được ưa chuộng, hay xoay xở trong bãi đỗ chật hẹp của chung cư đã mở đường để camera 360 phổ biến”, ông Linh cho biết.
Có thực sự hữu dụng?
Hầu hết trang bị tiện nghi, an toàn được bổ sung trên các mẫu xe mới đều nhằm đáp ứng thay đổi về nhu cầu, thị hiếu của khách cũng như hạ tầng cơ sở vật chất, đồng thời thu hút thêm người dùng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Hoàng Linh, nếu những trang bị này không đảm bảo chất lượng, trải nghiệm sử dụng của người dùng chưa chắc đã tốt hơn mà chỉ khiến chiếc xe trở thành “hổ giấy”.
“Trên thực tế, một số mẫu xe gần đây tuy trang bị camera 360 độ nhưng cho hình ảnh chưa thực sự tốt như MG ZS hay Nissan Navara 2021. Một ví dụ khác là Suzuki Ciaz 2020. Được hãng công bố nâng cấp hệ thống cảnh báo chệch làn và giữ khoảng cách với xe phía trước, tuy nhiên phần cứng sử dụng lại của bên thứ ba nên tương thích không tốt bằng hàng chính hãng”, ông Linh nhận định.
Mặt khác, dù được trang bị chính hãng, một số tính năng vẫn cho trải nghiệm khác nhau trên mỗi mẫu xe, đơn cử là cruise control. Tùy từng dòng ôtô mà hệ thống này có thể vận hành mượt mà, chính xác hoặc giật, khựng với sai số cao.
Trong khi đó, các gói an toàn với những hệ thống trợ lái tiên tiến cũng cần được hãng hiệu chỉnh, tùy biến phù hợp với điều kiện đường sá, khí hậu và giao thông Việt Nam để đảm bảo hiệu quả, an toàn cao nhất. Tiêu biểu có thể kể đến phanh tự động khẩn cấp, hỗ trợ giữ làn hay kiểm soát hành trình thích ứng.
Ngoài ra, người dùng cũng cần nghiên cứu kĩ những tác động hai chiều mà mỗi tuỳ chọn bổ sung mang tới. Ví dụ như cửa sổ trời có thể rất sành điệu khi xe còn mới, nhưng dễ trở thành gánh nặng trong sử dụng vì vấn đề bảo dưỡng, mưa dột, nắng nóng, thậm chí có nguy cơ gây mất an toàn về lâu dài.
Cuộc đua trang bị đã và đang diễn ra tại thị trường ôtô giúp người Việt có cơ hội sớm tiếp cận, sử dụng những sản phẩm với nhiều tiện nghi, tính năng an toàn cùng giá bán hợp lý.
“Tuy nhiên, người tiêu dùng cần trải nghiệm thực tế, tránh ra quyết định chỉ dựa vào lời nói của các nhân viên kinh doanh hay vài tờ quảng cáo hào nhoáng. Đồng thời, cũng nên xác định rõ nhu cầu, tránh mua sắm theo kiểu “có cho oai”, “có để phòng xa khi cần”… mà quên đi những giá trị quan trọng khác như độ an toàn, bền bỉ, tính thân thiện trong sử dụng”, ông Linh cho biết.