Kia Soluto, Mitsubishi Attrage và bản tiêu chuẩn của Honda City là các lựa chọn sedan hạng B đáng chú ý dưới 500 triệu đồng có trang bị số tự động.
Trong vài năm qua, thị trường ôtô Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều mẫu xe hạng B có giá bán hấp dẫn. Bên cạnh Kia Soluto, Mitsubishi Attrage và Honda City từ sau Tết Nguyên đán đã giới thiệu thêm phiên bản mới để thu hút nhóm khách hàng mua xe lần đầu hay đầu tư kinh doanh dịch vụ. Dưới đây là các model sedan đáng chú ý được trang bị số tự động và có giá bán dưới 500 triệu đồng.
Mức giá tương đương các dòng xe hạng A được xem là lợi thế cạnh tranh chính của Kia Soluto trước các đối thủ cùng phân khúc. Trong đó, 2 phiên bản cao cấp nhất của dòng sedan Hàn Quốc là AT Deluxe và AT Luxury lần lượt có giá đề xuất 429 triệu và 469 triệu đồng.
Ở tầm giá này, bộ đôi Soluto AT có lượng trang bị tiện nghi, an toàn khá tốt. Danh sách có thể kể đến tay lái bọc da có nút bấm chỉnh âm thanh, ghế da, 6 loa âm thanh, camera lùi, cảm biến lùi, phanh đĩa trước/sau… Riêng bản Luxury có thêm kiểm soát hành trình, chìa khóa thông minh, khởi động động cơ từ xa, hệ thống cân bằng điện tử và hỗ trợ khởi hành ngang dốc.
Soluto có thiết kế nội thất khá trẻ trung, tuy nhiên ngoại hình của mẫu xe Hàn Quốc lại có phần đơn điệu và không bắt mắt bằng Mitsubishi Attrage, Honda City. Kia Soluto trang bị động cơ xăng 1.4L, công suất 94 mã lực và mô-men xoắn 132 Nm. Bản AT Deluxe và AT Luxury sử dụng hộp số tự động 4 cấp.
Cuối tháng 2 vừa qua, Mitsubishi Attrage được bổ sung phiên bản CVT Premium, cao cấp hơn model CVT và MT ra mắt cách đây một năm. Hai phiên bản Attrage CVT và CVT Premium hiện có giá đề xuất 460 triệu và 485 triệu đồng. Ưu thế của Mitsubishi Attrage là xe được nhập khẩu từ Thái Lan, trong khi Soluto và City sản xuất trong nước.
So với Soluto và City bản tiêu chuẩn, 2 phiên bản Attrage CVT nhỉnh hơn ở hệ thống đèn chiếu sáng và đèn hậu LED, riêng model Premium có thêm cảm biến bật/tắt đèn và gạt mưa tự động. Ngoài ra, có kích thước gọn gàng và khả năng xoay trở linh hoạt hơn nhờ bán kính quay vòng nhỏ nhất phân khúc (4,8 m) và khoảng sáng gầm 170 mm.
Trái ngược với ngoại thất trẻ trung, khoang lái của Attrage vẫn mang kiểu thiết kế đơn giản và có phần già dặn hơn Soluto, City. Cả 2 model Attrage số tự động cùng có ghế da, cruise control, điều hòa tự động, chìa khóa thông minh, camera lùi… Bản CVT Premium có thêm cân bằng điện từ và hỗ trợ khởi hành ngang dốc. Thế mạnh của Attrage là khả năng tiết kiệm nhiên liệu nhờ động cơ 1.2L (77 mã lực, 100 Nm) với mức tiêu thụ ở điều kiện hỗn hợp là 5,36 lít/100 km cho cả 2 bản số tự động.
Sau khi ra mắt thế hệ mới vào cuối năm 2020 với 3 phiên bản G, L và RS, Honda City vừa được bổ sung bản E tiêu chuẩn giá 499 triệu đồng. Đây được xem là sản phẩm để hãng xe Nhật Bản mở rộng thị phần hướng đến nhóm khách hàng mua xe chạy dịch vụ, cạnh tranh với các model tiêu chuẩn của Hyundai Accent hay Toyota Vios. Kết thúc quý I/2021, Honda City bán được 3.374 xe, đứng thứ 3 trong phân khúc, xếp trên Soluto (1.531 xe) và Attrage (1.336 xe)
Thiết kế tổng thể của Honda City E tương tự các phiên bản khác. Tuy nhiên, model này bị cắt bỏ khá nhiều trang bị nội/ngoại thất, thua thiệt so với 2 mẫu xe của Kia và Mitsubishi. Chẳng hạn như mâm xe 15 inch là loại mâm thép, không có đèn báo rẽ trên gương chiếu hậu, không có màn hình thông tin giải trí, ghế ngồi bọc nỉ… Ngoài ra, mẫu sedan của Honda sử dụng phanh sau dạng tang trống, tương tự Mitsubishi Attrage.
Điểm mạnh của City E khi đặt cạnh Soluto hay Attrage là kích thước nhỉnh hơn, giúp không gian sử dụng rộng rãi. Cùng với đó, thông số vận hành mạnh mẽ nhất phân khúc được giữ nguyên như các model Honda City khác với động cơ 1.5L, công suất 119 mã lực và mô-men xoắn đạt 145 Nm. Phiên bản E của City có 4 túi khí, nhiều hơn 2 túi khí của Soluto AT và Attrage CVT nhưng lại không có camera và cảm biến lùi